Những cái nhìn "đểu”, những vụ nói xấu, hay chỉ là sự trêu đùa quá trớn... chẳng mấy chốc đã biến thành những trận xé quần xé áo, chửi bới, thậm chí đánh đấm tập thể đến thừa sống thiếu chết. Bạo lực học đường vốn là một câu chuyện đã cũ nhưng vẫn chưa dừng lại và tính chất ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Không còn là chuyện trẻ con
Giữa tháng 3/2021, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh 2 học sinh nữ đánh nhau ngay tại khu vực Quảng trường Hòa Bình. Qua xác minh được biết 2 nữ sinh thuộc một trường THCS trên địa bàn TP Hòa Bình. Trong clip, 1 học sinh nữ bị một nhóm bạn vây quanh, trong đó một bạn túm tóc, tát nhiều lần vào mặt và chửi bới với những lời lẽ gay gắt. Bạn nữ dù rất đau, khóc lóc nhưng không có bất kỳ một hành động kháng cự nào, chỉ có thể ngồi yên chịu trận. Xung quanh chứng kiến vụ việc nhưng nhiều bạn khác chỉ cười đùa, quay video và không can ngăn.
Trước đó, dù không quay clip phát tán trên mạng nhưng nhiều học sinh khối lớp 8 tại một trường trên địa bàn TP Hòa Bình cũng biết đến một vụ đánh hội đồng của một nhóm nam sinh. Nguyên nhân vụ việc được chính các học sinh kể lại là bắt nguồn từ việc một học sinh trong nhóm là N. nghĩ rằng Đ. đã xui các bạn nam trong nhóm tẩy chay không chơi với mình, nên đã có những lời lẽ xúc phạm và dọa đánh Đ. Trước hành động đó Đ. đã rủ các bạn còn lại trong nhóm đánh N. Vụ việc chỉ được can thiệp khi thầy, cô giáo phát hiện và mời phụ huynh đến giải quyết.
Trên đây không phải là những vụ bạo lực học đường cá biệt. Còn nhớ, năm 2021, trên địa bàn TP Hòa Bình cũng từng xảy ra vụ một nam sinh cầm dao đến lớp đâm trọng thương một bạn nam khác liên quan đến xích mích cá nhân. Không chỉ ở thành phố, thời gian qua, tình trạng học sinh gây gổ đánh nhau cũng diễn ra tại nhiều huyện. Tại thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) xảy ra vụ bạo lực học đường giữa một nhóm học sinh nữ THCS ở ngoài nhà trường khiến dư luận bức xúc. Ngoài những vụ việc lớn và được tung lên mạng, theo phản ánh của các thầy, cô giáo, hàng ngày vẫn thường phải giải quyết những vụ đánh nhau, xích mích, xô xát nhỏ giữa các học sinh trong lớp, trong đó có cả học sinh nam và học sinh nữ. "Có khi chỉ là bạn nọ nói xấu bạn kia, hoặc mâu thuẫn rất nhỏ trong quá trình học tập ở lớp, sau đó các bạn sẵn sàng đợi nhau ngoài cổng trường để gây sự đánh nhau", một giáo viên tại TP Hòa Bình cho biết.
Thực tế nhiều vụ việc xảy ra cho thấy, bạo lực học đường hiện nay không đơn giản là chuyện xích mích của trẻ con, mà tiềm ẩn rất nhiều vấn đề xung quanh nguyên nhân của những cuộc bạo lực. Trước đây nguyên nhân là không ưa nhau, xích mích cá nhân dẫn đến đánh nhau thì nay, một trong những nguyên nhân chủ yếu của bạo lực học đường lại liên quan đến chuyện tình cảm nam nữ, ghen tuông giữa các bạn nữ hoặc giữa các bạn nam với nhau. Mặt khác, với các cuộc bạo lực học đường xuất phát từ nguyên nhân tình cảm thường để lại hậu quả rất trầm trọng do mẫu thuẫn lớn. "Nếu là chuyện ghét nhau vì cho rằng bị "nhìn đểu", không chào hoặc va vào nhau, khi có một bên chủ động xin lỗi, hoặc có người can ngăn cũng sẽ dừng lại, không dẫn đến xô xát, nhưng nếu là các vụ việc liên quan đến tình cảm nam nữ thì hầu như hậu quả đều là những cuộc xô xát lớn, thậm chí là giữa nhóm này với nhóm kia, khối lớp trên với lớp dưới hoặc giữa các học sinh THPT với THCS", cô giáo Bùi Thị Ph., huyện Lương Sơn chia sẻ.
Đặc biệt, thời gian gần đây, việc ứng xử trên mạng xã hội, trên không gian mạng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra những vụ bạo lực học đường ngoài đời thực. Không ít vụ việc mâu thuẫn bắt nguồn từ việc sử dụng mạng xã hội hoặc tham gia các nhóm chát, trò chơi điện tử. Cô giáo Quách Thu Trang, huyện Cao Phong chia sẻ: "Với việc bố mẹ cho sử dụng điện thoại thông minh, không ít bạn đã lập ngay trang facebook cá nhân để giao tiếp với bạn bè. Ban đầu chỉ là đưa vài bức ảnh, đăng vài dòng trạng thái lên trang cá nhân, rồi bạn bè vào bình luận qua lại, trêu đùa một vài câu những không hiểu ý dẫn đến xích mích, mâu thuẫn lúc nào không hay. Không chỉ "chiến" với nhau trên bàn phím, các bạn đã hẹn gặp nhau để giải quyết tay đôi". Thực vậy, mạng xã hội là một thế giới ảo giữa thế giới thật vô cùng rộng lớn, trong khi đó với lứa tuổi chưa thực sự trưởng thành, chín chắn, các em bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội rất lớn. Vì vậy, những câu chuyện giữa các học sinh xảy ra từ thế giới ảo không phải là hiếm. "Nghiêm trọng hơn, không gian mạng cũng là nơi các em có thể tự tìm kiếm được rất nhiều vật dụng, công cụ để có thể trở thành vũ khí từ các trang bán hàng online không cần biết danh tính, tên tuổi người mua", cô Trang cho biết thêm.
Từ những thực tế đó cho thấy những nguy cơ hiện hữu về môi trường học đường ngày càng trở nên bất an. Đấy không chỉ là những nỗi đau về thể xác mà còn là những nỗi đau tinh thần khó chữa lành. Nhiều nạn nhân của bạo lực học đường trầm cảm, bị sang chấn tâm lý, thậm chí không muốn đến trường bởi sợ những ánh mắt tò mò của bạn bè, khi những clip xé quần xé áo vẫn được lan truyền một cách chóng mặt trên mạng xã hội.
Hành động quyết liệt xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh
Khi chứng kiến những vụ bạo lực học đường, không ít phụ huynh xót xa, dư luận bức xúc. Đây không còn là câu chuyện mới, bạo lực học đường đã tồn tại từ rất lâu, tuy nhiên theo thời gian thì mức độ nghiêm trọng có nguy cơ gia tăng, bởi những nguyên nhân sâu xa bên trong những vụ bạo lực học đường. Có không ít những vụ bạo lực học đường được các em ngụy biện bằng lý lẽ như "dạy dỗ" đàn em, hay trở thành những vụ "đánh ghen" bạo tay mà ngay cả người lớn cũng phải rùng mình.
Theo các chuyên gia tâm lý, tuổi thiếu niên (11 - 15 tuổi) là giai đoạn có nhiều thay đổi cả về tâm sinh lý và xã hội, dẫn đến những biến đổi sâu sắc về mặt tâm lý, nhân cách, thường được gắn với những cách gọi như "tuổi bất trị", "khủng hoảng tuổi thiếu niên". Không ít học sinh coi việc "nổi loạn" như là một cách để khẳng định mình. Cũng có những em, với những biến động về tâm lý, chỉ cần một tác động xấu từ gia đình, nhà trường, xã hội có thể gây ảnh hưởng đến suy nghĩ, lối sống, hình thành nhân cách không đúng dẫn đến những vụ bạo lực học đường hay hành vi nguy hiểm cho xã hội. Theo cô giáo Đỗ Thị Bảy, TP Hòa Bình: Ở tuổi này, điều các em cần nhất có lẽ là sự thấu hiểu. Vì vậy, giáo viên có vai trò rất quan trọng trong việc nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em. Có nhiều chuyện các em không kể với bố mẹ, không kể với cô giáo nhưng lại kể với bạn bè. Vì vậy, cũng phải xây dựng những nguồn tin từ các bạn trong lớp để nắm bắt tâm tư của học trò. Cùng với đó, giáo viên và phụ huynh cần trao đổi thông tin thường xuyên về học sinh, để phối hợp cùng giáo dục các em. Từ sự thấu hiểu, thầy cô giáo sẽ nhanh chóng nắm bắt, xóa tan những xích mích của học trò, từ đó tránh được những vụ xô xát không đáng có.
Hiện nay, nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng các chương trình ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn, Đội, câu lạc bộ trong nhà trường nhằm truyền thông, giáo dục cho các em lối sống lành mạnh, thân thiện, trong đó chú trọng bồi dưỡng thêm đạo đức, lối sống tích cực, kỹ năng sống, xây dựng môi trường học đường thân thiện, trang bị cho các em ý thức bảo vệ mình và những người xung quanh, mạnh dạn nói không với bạo lực học đường, để mỗi ngày các em đến trường thực sự là niềm vui.
Đặc biệt, trong mỗi gia đình, cần có giải pháp siết chặt hơn nữa việc quản lý con em, ngăn chặn triệt để các trang tin, kênh sản xuất video bẩn, độc hại, ảnh hưởngxấu tới giới trẻ. Theo thầy giáo Bùi Hữu Phước, Phó Hiệu trưởng trường TH&THCS xã Quang Tiến (TP Hòa Bình): Việc giữ con tránh xa mạng xã hội, internet thực sự có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục con em. Thực tế cho thấy nhiều học sinh chìm đắm trong thế giới ảo, nhất là các trò chơi điện tử không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách trẻ. Nhiều em tỏ ra khó hòa nhập với bạn bè, không có khả năng tương tác và thường trở nên cục súc, dễ nóng nảy khi sử dụng quá nhiều điện thoại thông minh, video, trò chơi điện tử.
Giữa tháng 3, ngay khi học sinh mới trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến, một vụ bạo lực học đường nghiêm trọng đã diễn ra tại TP Hòa Bình. Chứng kiến đoạn clip được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, nhiều người không khỏi rùng mình bởi có lẽ vụ việc trên mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Bởi người ta chỉ biết đến vụ việc khi nó được tung lên mạng xã hội, còn những vụ việc không được tung lên thì sẽ ra sao? Khi mà thực tế có rất nhiều học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường vì lo sợ bị trả thù, vì xấu hổ đã không dám lên tiếng. Chính vì vậy, đã đến lúc cần có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, sự sát sao của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc chung tay đẩy lùi bạo lực học đường.
MỌI Ý KIẾN PHẢN ÁNH VUI LÒNG LIÊN HỆ:
HOTLINE : 0974508144
EMAI : c12.lat.hut@hoabinh.edu.vn
Hôm nay : | 65 |
Hôm qua : | 118 |
Tất cả : | 11180 |